Mới đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lắp ghép thành công 2 kính thiên văn lớn nhất thế giới thành một thiết bị duy nhất có đường kính lên tới 85 m. Thiết bị này mang tên Dụng cụ đo giao thoa Keck, được đặt tại Mauna Kea ở Hawaii.
“Kết hợp thành công ánh sáng từ 2 kính thiên văn lớn nhất thế giới là một tiến bộ khoa học vượt bậc. Nó sẽ mở ra khả năng thu thập được các hình ảnh về vũ trụ rõ nét nhất từ trước đến nay”, nhà nghiên cứu thiên văn của NASA, Anne Kinney, cho biết.
Đêm 12/3, Keck đã tạo ra được bức ảnh tổng hợp về HD61294, một ngôi sao mờ nhạt trong chòm sao Lynx. Chùm sáng do 2 kính thu nhận về được giao thoa với nhau và chiếu vào một camera. Nhờ sự kết hợp này, các nhiễu hình ảnh do tầng khí quyển trái đất gây ra đã bị loại bỏ, ảnh thu được trở nên rõ nét hơn.
NASA sẽ tiếp tục kiểm tra cặp kính này trong vài tháng tới, trước khi sử dụng nó vào nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một trong số đó là tiếp tục tìm kiếm các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta.
Từ năm 1995, các nhà thiên văn đã tìm thấy hơn 50 hành tinh quay quanh các ngôi sao khác. Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, họ chỉ có thể tìm được các hành tinh cực lớn cỡ sao Mộc, nằm gần với các mặt trời “phụ huynh” của chúng. Nhờ Keck, các nhà khoa học sẽ phát hiện được các hành tinh nằm xa hơn - các hành tinh có nhiều khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Với việc kết nối thành công này, dụng cụ đo giao thoa của NASA đã đi vào hoạt động trước một dự án tương tự ở châu Âu - Dự án về Kính thiên văn cực lớn (VLT) tại Đài Quan sát của Tây Âu đặt tại Chile. VLT bao gồm 4 kính thiên văn cỡ 8,5 m. Hiện 3 trong số đó đã đi vào hoạt động.
Sưu tầm